Bài viết dưới đây đề cập đến vai trò của chẩn đoán trong điều trị ung thư .Ung thư là bệnh lý nguy hiểm và làm tăng nguy cơ tử vong cao. Việc thăm khám và sàng lọc sớm sẽ đem lại cơ hội điều trị bệnh tốt, thậm chí một số bệnh ung thư có cơ hội điều trị khỏi. Chẩn đoán hình ảnh là phương tiện quan trọng bậc nhất để các bác sĩ có thể thực hiện thăm khám và phát hiện nguy cơ ung thư từ khi chưa có triệu chứng.
1. Vai trò chẩn đoán hình ảnh trong chẩn đoán và điều trị ung thư
Ung thư hiện nay đang là một trong những là một trong những mối quan tâm hàng đầu về sức khỏe toàn cầu. Nhìn chung, tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng trên thế giới. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, thế giới có hơn 19 triệu ca mắc mới và gần 10 triệu ca chết vì ung thư. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư trong năm 2020. Việc sàng lọc và chẩn đoán sớm và chính xác là một chìa khóa quan trọng trong tiên lượng và điều trị bệnh lý ung thư.
Một trong những phương tiện đóng vai trò then chốt trong quản lý bệnh ung thư đó chính là các phương tiện chẩn đoán hình ảnh. Gần đây, cùng với sự phát triển và hỗ trợ của khoa học công nghệ, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, các phương tiện chẩn đoán hình ảnh đang ngày càng thể hiện vai trò trọng yếu trong sàng lọc, chẩn đoán sớm, theo dõi và điều trị các bệnh lý này. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ mang đến cho người đọc một cái nhìn tổng quát về các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và vai trò của các kỹ thuật này trong quản lý bệnh ung thư đã và đang được áp dụng tại hệ thống y tế Vinmec.
2. Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh sàng lọc ung thư
Hiện nay, bên cạnh những kỹ thuật hình ảnh cơ bản như Xquang, siêu âm, cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ, Vinmec còn phát triển các kỹ thuật cao như chụp mạch số hoá xoá nền (DSA) và các kỹ thuật y học hạt nhân như PET/CT, SPECT/CT.
2.1. Xquang
Đây là kỹ thuật cơ bản và lâu đời nhất của chẩn đoán hình ảnh. Tia X là một dạng bức xạ điện từ, tương tự như ánh sáng nhìn thấy. Tuy nhiên, khác với ánh sáng nhìn thấy, tia X có năng lượng cao hơn, có thể đi xuyên qua hầu hết các vật thể. Khả năng “đâm xuyên” của tia X qua các thành phần khác nhau (như mỡ, dịch, xương không khí…) là khác nhau và kết quả sẽ thể hiện lên hình ảnh với đậm độ khác nhau. Từ đó có thể giúp quan sát được các cấu trúc bên trong cơ thể.
Với ưu điểm như giá thành rẻ, phương tiện cơ động, sẵn có, nhanh chóng và có thể lặp lại nhiều lần, Xquang hiện nay vẫn được sử dụng như một phương tiện tầm soát ung thư trong khám sức khỏe định kỳ như chụp Xquang ngực tầm soát ung thư phổi, chụp nhũ ảnh (mamography) định kỳ tầm soát ung thư vú ở phụ nữ trên 40 tuổi. Bên cạnh đó, còn để theo dõi sau điều trị như chụp Xquang ngực theo dõi kích thước khối u, tràn dịch màng phổi. Tính cơ động của máy X Quang còn cho phép đưa máy đến tận giường bệnh để chụp mà bệnh nhân nặng không cần phải di chuyển.
Ngoài các kỹ thuật Xquang đơn thuần, không xâm lấn (không sử dụng các chất cản quang), các kỹ thuật chụp Xquang có phối hợp với các chất các cản quang đường uống, đường tĩnh mạch, hoặc chụp đường rò. Chiếu Xquang thời gian thực giúp cho việc “bộc lộ” hình ảnh rõ hơn, giúp đánh giá được chức năng của một số cơ quan, tạng trong cơ thể. Hiện nay tại Vinmec, trong khảo sát một số bệnh lý như trào ngược dạ dày thực quản, đánh giá các bất thường bẩm sinh của đường tiêu hoá trẻ em (dạ dày-tá tràng, đại tràng…), khảo sát tử cung-vòi trứng ở phụ nữ, chụp Xquang với chất cản quang vẫn được áp dụng như một phương tiện kinh tế, hiệu quả và giảm thiểu được liều chiếu xạ cho bệnh nhân so với các phương pháp khác (ví dụ như Cắt lớp vi tính – CLVT).
Mặc dù, có những hạn chế như lượng thông tin hình ảnh mang lại không nhiều bằng các phương tiện hiện đại (cộng hưởng từ, CLVT), phơi nhiễm với tia X thì hiện nay phương pháp này vẫn giữ được giá trị của nó trong một số tầm soát ung thư (đặc biệt là ung thư vú) và chẩn đoán một số bệnh lý như đã nêu ở trên.
Hình ảnh chụp Xquang sàng lọc ung thư
2.2. Siêu âm
Siêu âm được xem như là kỹ thuật “năng động” nhất trong chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh với nhiều ưu điểm như phổ biến rộng rãi, nhỏ gọn cơ động, dễ áp dụng, ghi hình thời gian thực, chi phí rẻ. Đặc biệt, không phơi nhiễm bức xạ – phóng xạ và có thể lặp lại nhiều lần. Nguyên lý cơ bản của siêu âm là dựa trên sóng siêu âm – một loại sóng âm thanh có tần số cao hơn giới hạn nghe thấy của con người. Loại sóng này được phát ra từ các đầu dò, xuyên qua cơ thể, va chạm vào các mô-tổ chức bên trong và phản hồi về lại đầu dò với các tần số khác nhau tuỳ thuộc vào tính chất từng mô-cơ quan, từ đó được mã hoá thành hình ảnh.
Siêu âm hiện nay đang là phương tiện tầm soát đầu tay cho các bệnh lý về tuyến giáp, tuyến vú (phối hợp với nhũ ảnh), các bệnh lý về tim và mạch máu ngoại biên. Bên cạnh đó, cũng không thể thiếu siêu âm vùng bụng – tiểu khung trong khám sức khỏe và sàng lọc sớm ung thư. Với một khảo sát siêu âm bụng – tiểu khung từ 10 đến 30 phút, bệnh nhân có thể được khảo sát được hầu hết các tạng đặc trong ổ bụng như gan, lách, thận, tuỵ, đánh giá cơ quan sinh dục trong của nam (tiền liệt tuyến) và nữ (tử cung – vòi trứng).
2.3. Cắt lớp vi tính (CLVT)
Đây là một kỹ thuật hiện đại, cùng nguyên lý dùng tia X để tạo ảnh uy nhiên lại cho lượng thông tin cung cấp khổng lồ và chính xác hơn. Hạn chế của CLVT là liều tia cao hơn nhiều so với chụp Xquang thông thường, do đó cần cân nhắc lợi ích và nguy cơ trong các chỉ định chụp CLVT. Tuy nhiên, gần đây các máy CLVT hiện đại đã bổ sung các công nghệ giảm liều tối đa, nhờ đó ứng dụng trong khám sức khỏe định kỳ cũng dần dần đưa vào chương trình quốc gia. Ở Mỹ, kỹ thuật chụp CLVT liều thấp (LDCT, Low-dose CT) trên phổi đã thực hiện rộng rãi cho các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao về ung thư phổi, cụ thể khuyến cáo chụp cắt lớp vi tính phổi cho những người từ 55 – 74 tuổi đã hoặc đang hút thuốc trên 15 năm.
Trên người cao tuổi và có các yếu tố nguy cơ tim mạch, việc chụp CLVT mạch vành để tầm soát các bệnh lý về mạch máu nuôi tim cũng được khuyến cáo. Tuy nhiên chỉ định chụp là tùy thuộc vào bác sĩ tim mạch, sau khi có đủ các dữ kiện lâm sàng.
Bên cạnh ứng dụng để chẩn đoán, CLVT còn ứng dụng như phương tiện hướng dẫn trong can thiệp sinh thiết khối u ở phổi, xương, tạng; can thiệp điều trị trong bệnh lý xẹp đốt sống và một số bệnh lý khác.
Cắt lớp vi tính (CLVT) chẩn đoán hình ảnh sàng lọc ung thư
2.4. Cộng hưởng từ (CHT)
Đây là một kỹ thuật hiện đại, ra đời muộn hơn so với các kỹ thuật khác nhưng mang lại giá trị chẩn đoán rất lớn. Nguyên lý là sử dụng khối nam châm khổng lồ (gấp 20.000 – 25.000 lần từ trường trái đất) để ghi hình ảnh, tạo sự cộng hưởng trên các proton H+ có trong các mô của cơ thể. Ngoài ra, vì không dùng tia X nên đây là kỹ thuật không phơi nhiễm bức xạ (giống siêu âm). Hạn chế của kỹ thuật là khảo sát giới hạn các thành phần chứa khí (phổi) hay vôi (xương) vì không có proton H+, nhưng ngược lại vì độ phân giải mô tốt nên cộng hưởng từ khảo sát các cơ quan như não, khớp, vú, hệ mật, vùng chậu rất tốt và các ứng dụng này ngày càng dùng rộng rãi hơn trong chẩn đoán.
Ngoài ra, CHT còn hạn chế do thời gian chụp lâu, đòi hỏi bệnh nhân phải cố định được cơ thể trong thời gian dài nên khó khăn trong chụp cho các bệnh nhân co giật, trẻ em. Đặc biệt, vì môi trường từ trường lớn nên chống chỉ định với các bệnh nhân mang các vật liệu từ trong cơ thể (như máy tạo nhịp, bộ phận giả bằng kim loại…).
2.5. Chụp mạch và can thiệp nội mạch số hoá xoá nền (DSA)
Đây là một kỹ thuật cao mới, được đưa vào ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây. Nguyên lý của kỹ thuật này là sử dụng tia X và ánh sáng huỳnh quang để chụp mạch máu ở những vị trí cần thiết vào thời điểm trước và sau khi bơm thuốc cản quang vào mạch máu cần chụp. Sau đó, máy tính sẽ xóa mờ hình ảnh nền, thu được hình ảnh đầy đủ của tim, động mạch cảnh, bụng, ngực, đùi – làm rõ lên hệ thống mạch máu.
Ngoài vai trò trong chẩn đoán một số bệnh lý liên quan đến mạch máu (như đột quỵ não, dị dạng mạch máu, đánh giá các luồng thông mạch máu), DSA còn có vai trò mới và quan trọng trong đánh giá và điều trị các khối u. Cụ thể, kỹ thuật DSA giúp đánh giá được các nguồn máu nuôi khối u, từ đó giúp cho việc lên kế hoạch điều trị, tiếp cận phương pháp điều trị khối u hiệu quả hơn.
Phương pháp dẫn lưu/đặt stent đường mật: trong điều trị giãn đường mật do u của đường mật hay u đầu tụy .Đặt dẫn lưu bể thận trong điều trị giãn đường bài xuất do ung thư. Can thiệp đốt sóng cao tần: trong điều trị u gan, u phổi, tuyến giáp. Can thiệp giảm đau trong ung thư: tiêm cồn, áp lạnh, phong bế rễ thần kinh, hạch giao cảm. Hút chân không lấy u trong điều trị u lành tuyến vú.
2.6. Y học hạt nhân (SPECT/CT, PET/CT)
Với bước tiến vượt bậc của ngành y học, hiện nay y học hạt nhân đóng vai trò rất nhiều vào việc chẩn đoán và điều trị các loại bệnh lý khác nhau như: Chẩn đoán sớm, đánh giá giai đoạn, đánh giá di căn, tái phát, đánh giá đáp ứng điều trị trong ung thư. Chẩn đoán và đánh giá chức năng các bệnh lý thận, tiêu hóa, tim mạch, thần kinh, bệnh lý xương khớp, nội tiết thậm chí là trong nhi khoa. Những trường hợp bị ung thư tuyến giáp biệt hóa sau khi phẫu thuật, bị đau do ung thư di căn xương, bệnh basedow cũng có thể ứng dụng y học hạt nhân để chẩn đoán điều trị bệnh. Và hơn hết, phương pháp điều trị này có vai trò giúp chẩn đoán sớm, chính xác đã mang lại kết quả rất ấn tượng.