Viêm họng nuốt vướng có phải dấu hiệu ung thư họng/thực quản?

Nuốt vướng là triệu chứng khá thường gặp khi bị viêm họng, nhất là các trường hợp mạn tính. Triệu chứng này rất khó chịu, gây suy giảm chất lượng cuộc sống và đôi khi khiến người bệnh lo lắng, e ngại mắc phải các bệnh lý ung thư. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn có nhận định rõ ràng về vấn đề này và định hướng xử trí khi bị viêm họng nuốt vướng.

1. Nuốt vướng là gì?

Nuốt là một động tác cực kỳ phức tạp, thể hiện sự phối hợp hoạt động đồng bộ của nhiều hệ cơ quan. Động tác nuốt diễn ra rất nhanh nhưng đòi hỏi cơ chế tinh vi, được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn đầu: Là giai đoạn nuốt có ý thức. Chúng ta hoàn toàn chủ động điều khiển quá trình này. Đầu tiên bên trong khoang miệng, nhờ môi, răng, lưỡi, thức ăn được nghiền nhuyễn và vo viên thành các khối có kích thước vừa phải, đặt trên thân lưỡi. Cơ lưỡi cử động nâng lên trên và ra sau để đẩy khối thức ăn áp sát vào trần khẩu cái và đi xuống thành sau họng;Giai đoạn sau: Gọi là giai đoạn nuốt không có ý thức, diễn ra tự động ở họng và thực quản. Quá trình này do hệ thần kinh tự động chi phối mà ý thức con người không can thiệp được. Đó là các phản xạ tự nhiên của đóng nắp thanh môn và nhu động co thắt thực quản, giúp khối thức ăn di chuyển dần dần xuống dạ dày.

Chính vì khối thức ăn phải đi qua ngã ba giao nhau giữa đường hô hấp và đường tiêu hóa, mọi bất thường trong từng cơ chế đều có thể khiến phản xạ nuốt gặp trục trặc. Vấn đề có thể do:

Cơ vùng hầu họng, thần kinh chi phối;Loại thực phẩm ăn uống;Do các bất thường giải phẫu, bệnh lý ở miệng, họng, thanh quản, thực quản, dạ dày.

Biểu hiện của các rối loạn này là nôn ói, nuốt khó và vướng.

Trong đó, nuốt vướng là cảm giác than phiền chủ quan của bệnh nhân khiến nhiều người phải lo lắng. Khái niệm này cần phân biệt với nuốt khó – là bệnh nhân vẫn hoàn toàn có thể nuốt được và không cần phải cố gắng hao tốn quá nhiều sức lực để đưa thức ăn vào bên trong cơ thể.

Khó nuốt

Nuốt vướng khiến nhiều người bệnh lo lắng

2. Nguyên nhân nào gây nuốt vướng?

Vì hoạt động nuốt là do nhiều cơ chế phối hợp, nguyên nhân gây nuốt vướng rất đa dạng, có thể tạm chia thành các nhóm như sau:

2.1. Nuốt vướng do viêm họng mạn tính

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất. Khối amidan vùng hầu họng bị viêm nhiễm lâu ngày trở nên phì đại, tăng kích thước, gây cản trở đường nuốt. Chính vì thế, khi khối thức ăn đi qua, người bệnh cảm giác có sự vướng mắc lại. Bệnh lý này rất dễ phát hiện bằng cách dùng đèn soi họng cùng với que đè lưỡi, bạn sẽ thấy 2 khối amidan rất to.

Căn nguyên của viêm họng mạn có thể do bệnh lý tại chỗ của tai mũi họng như nhiễm trùng tái đi tái lại không điều trị triệt để, hay do bệnh lý từ đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày – thực quản. Tuy vậy, nhìn chung, bệnh lý viêm họng mạn thường hay gặp ở những người uống rượu nhiều, có thói quen hút thuốc lá, ăn uống khuya, nằm ngay sau ăn,…

2.2. Do viêm mũi xoang tiềm ẩn

Nhóm bệnh nhân này hoàn toàn không biểu hiện các triệu chứng của viêm xoang điển hình như nghẹt mũi, chảy mũi, nhức đầu… Tuy nhiên, khi bệnh nhân đi khám vì nuốt vướng, qua công cụ nội soi mũi họng, bác sĩ lại phát hiện được nhiều mủ đục chảy từ mũi xuống thành sau họng, gây ứ đọng tại đây, tạo thành ổ viêm nhiễm.

Viêm amidan mủ

Khối amidan vùng hầu họng bị viêm nhiễm lâu ngày trở nên phì đại

2.3. Do các loại u, nang lành tính tại chỗ

Khi vùng hạ họng hay đáy lưỡi có các nang, u nhú trên niêm mạc, đây là các vật cản trở đường ăn uống và đường thở. Mặc dù các tổn thương này là hoàn toàn lành tính, nhưng nếu chúng lớn dần theo thời gian sẽ khiến người bệnh cảm giác vướng khi nuốt, đôi khi gây tắc nghẽn đường thở, gây hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Nếu biểu hiện bệnh nặng nề, bệnh nhân cần đi soi hầu họng để đánh giá vị trí, kích thước khối u để xem xét chỉ định phẫu thuật can thiệp tại chỗ.

2.4. Do các bệnh lý ung thư

Nguyên nhân này ít gặp hơn hẳn các nguyên nhân kể trên nhưng tuyệt đối không được bỏ sót vì tiên lượng nặng nề của nó. Các loại ung thư xảy ra tại khu vực này có thể là ung thư hạ họng và ung thư thực quản ở đoạn đầu.

Bệnh nhân có biểu hiện ban đầu chỉ là nuốt vướng. Tuy nhiên, triệu chứng này diễn tiến rất nhanh thành nuốt đau hay khó nuốt, kèm theo các biểu hiện toàn thân khác như nổi hạch cổ, ăn kém, sụt cân, mệt mỏi, sa sút. Nếu chủ quan không đi khám và phát hiện sớm, mọi nỗ lực can thiệp về sau đôi khi sẽ là muộn màng.

3. Làm gì khi bị nuốt vướng?

Chính vì có nhiều nguyên nhân từ đơn giản đến phức tạp kể trên, điều đầu tiên cần làm là khi bị nuốt vướng không được chủ quan. Điều này có nghĩa cần tích cực tìm kiếm nguyên nhân khi cảm giác nuốt vướng thực sự lặp đi lặp lại qua vài ngày liên tục.

Chuyên khoa cần thăm khám là tai mũi họng. Bác sĩ sẽ soi họng bằng đèn thông thường hay có thể chỉ định nội soi để khảo sát kỹ lưỡng thêm vùng phía dưới. Nếu có khối u nhú, bác sĩ sẽ can thiệp tại chỗ và lấy mẫu sinh thiết để chẩn đoán tế bào học. Từ đó, việc điều trị phải tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Song, nếu có tinh thần chủ động từ đầu, bệnh lý sẽ có tiên lượng khả quan hơn rất nhiều, đặc biệt là trong nhóm bệnh cảnh ung thư.

Tóm lại, nuốt vướng là biểu hiện thường gặp của rất nhiều bệnh lý vùng hầu họng. Chẩn đoán và cách thức điều trị là tùy vào bệnh lý cụ thể. Triệu chứng này cũng là dấu hiệu khởi đầu của không ít căn bệnh nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần chủ động thăm khám sớm, chọn chuyên khoa uy tín để bảo vệ được sức khỏe cho chính mình cũng như người thân.

Để biết thêm thông vui lòng liên hệ với Nhà thuốc Hapu qua số hotline 0923 283 003 hoặc truy cập vào website https://nhathuochapu.vn để được hỗ trợ tư vấn 24/7

Gọi Điện Thoại Zalo Facebook