HIV/AIDS không còn là nỗi lo của cộng đồng khi bạn biết điều này

Hội chứng nhiễm virus làm suy giảm miễn dịch ở người viết tắt là HIV/AIDS, tên tiếng Anh đầy đủ là human immunodeficiency virus infection/acquired immunodeficiency syndrome; hoặc SIDA theo tiếng Pháp là viết tắt của Syndrome d’immunodéficience acquise, còn được gọi là bệnh liệt kháng (tê liệt khả năng đề kháng), là một dạng bệnh do virus tấn công vào hệ miễn dịch gây ra suy giảm miễn dịch ở người (HIV). Giai đoạn đầu khi mới nhiễm virus, người bệnh thường có những biểu hiện giống bệnh cúm trong một thời gian ngắn. Sau đó, các dấu hiệu mất và bệnh nhân không có dấu hiệu gì trong một thời gian dài. Khi bệnh tiến triển, sẽ gây ảnh hưởng ngày càng nhiều đến hệ miễn dịch của cơ thể, làm cho bệnh nhân dễ mắc phải các bệnh nhiễm trùng, như các loại nhiễm trùng cơ hội hay các khối u, là những bệnh mà người có hệ miễn dịch hoạt động khỏe mạnh bình thường khó có thể mắc phải.

Nhiễm HIV ở người được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem như là một đại dịch. Việc chủ quan đối với HIV sẽ làm tăng nguy cơ lây bệnh. Việc điều trị bằng thuốc kháng retrovirus có thể làm giảm cả hai tỉ lệ tử vong và bệnh tật ở người bị nhiễm HIV. Việc tăng cường nhận thức và các biện pháp phòng ngừa đối với người dân, cũng như quá trình tự diễn tiến của dịch bệnh, cũng đóng một vai trò quan trọng. 

Hầu hết những người bị nhiễm HIV-1 nếu không được điều trị sẽ tiến triển sang giai đoạn AIDS. Người bệnh thường chết do bị nhiễm trùng cơ hội hoặc do các bệnh ác tính liên quan đến việc giảm sút của hệ thống miễn dịch. HIV tiến triển sang AIDS phụ thuộc vào sự tác động của các virus, cơ thể vật chủ và các yếu tố môi trường; hầu hết sẽ chuyển sang giai đoạn AIDS trong vòng 10 năm sau khi bị nhiễm HIV, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển rất sớm và một số lại lâu hơn.

Mặc dù bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn và cũng không có vắc-xin phòng ngừa, nhưng việc điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) có thể làm chậm tiến trình của bệnh và kéo dài tuổi thọ của người bệnh thêm nhiều năm nếu uống đều đặn và đủ liều. Thuốc kháng HIV cần phải được sử dụng mỗi ngày, nếu không thì virus có thể sẽ nhanh chóng vượt khỏi sự kiểm soát và trở nên kháng thuốc. 

HIV/AIDS là gì?

Cụm từ HIV/AIDS có lẽ hầu như tất cả mọi người đều đã từng nghe đến nhiều lần rồi, tuy nhiên lại có rất ít người hiểu đúng nghĩa về nó. Những sai lầm trong hiểu biết về HIV/AIDS có thể sẽ khiến cho chúng ta có cái nhìn không thiện cảm với những bệnh nhân không may mắc phải căn bệnh thế kỷ này. Bài viết sau đây, nhà thuốc Hapu sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức cơ bản cần biết về HIV và AIDS.

HIV/AIDS – hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người, bệnh liệt kháng – là một bệnh gây ra do nhiễm virus gây suy giảm miễn dịch ở người.

Giai đoạn đầu của bệnh thường có các triệu chứng giống như cúm nhưng sau đó lại không có dấu hiệu gì trong một thời gian dài. Bệnh sẽ tiến triển khi hệ miễn dịch của bệnh nhân suy giảm, cũng là lúc bệnh nhân dễ mắc phải các loại nhiễm trùng cơ hội hoặc các khối u khác thường.

HIV/AIDS không thể chữa khỏi và không có thuốc chủng phòng ngừa. Tuy nhiên, nếu điều trị bằng thuốc kháng virus có thể làm chậm tiến trình của bệnh và giúp kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

HIV là gì?

Đầu tiên, chúng ta cần phải biết HIV không phải là bệnh mà HIV là tên của một loại virus gây tổn hại hệ thống miễn dịch của cơ thể. HIV là viết tắt của từ human immunodeficiency virus chính là virus gây suy giảm miễn dịch ở người.

Nguyên nhân của bệnh HIV là do virus HIV gây suy giảm miễn dịch ở người thuộc họ retroviridae. Khi cơ thể mắc phải thì virus HIV sống ở các tế bào quan trọng trong hệ thống miễn dịch của con người như lympho bào T hay đại thực bào, tế bào tua làm giảm mạnh số lượng tế bào dẫn tới suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo điều kiện cho các nhiễm trùng cơ hội khác.

Nếu không điều trị, HIV sẽ lây nhiễm và làm chết các tế bào CD4 – là một loại tế bào miễn dịch lympho T. Khi HIV giết chết nhiều tế bào CD4, khi đó hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ bị suy giảm, dễ bị mắc các loại bệnh nhiễm trùng và ung thư khác nhau.

Virus HIV là gì
Virus HIV là gì

AIDS là gì?

AIDS là một bệnh có thể phát triển ở những người bị nhiễm HIV. Đây là giai đoạn nặng nhất, giai đoạn cuối của HIV. Nhưng không có nghĩa là một người khi bị nhiễm HIV sẽ phát triển thành AIDS. Như vậy, một người bị AIDS thì chắc chắn bị nhiễm virus HIV, còn một người bị nhiễm virus HIV chưa chắc đã bị AIDS.

Virus HIV làm chết các tế bào CD4 của người. Một người trưởng thành khỏe mạnh bình thường có số lượng tế bào CD4 là từ 500 – 1.500 tế bào/mm3. Một người bị nhiễm HIV khi có số lượng tế bào CD4 giảm xuống dưới 200 tế bào/mm3 sẽ được chẩn đoán là mắc AIDS.

Một người cũng có thể được chẩn đoán mắc bệnh AIDS nếu như họ bị nhiễm HIV và bị nhiễm trùng cơ hội hoặc ung thư mà hiếm gặp ở những người không có virus HIV.

Quá trình tiến triển của AIDS

Người bị nhiễm HIV nếu không được điều trị thì có thể sẽ tiến triển thành AIDS trong vòng 10 năm. Hiện nay, không có cách chữa bệnh AIDS và nếu không điều trị thì bệnh nhân có thể sống thêm khoảng ba năm. Thời gian sống có thể sẽ rút ngắn hơn nếu như bệnh nhân mắc phải các bệnh cơ hội nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc điều trị bằng các thuốc kháng virus có thể ngăn ngừa AIDS phát triển.

Nếu AIDS phát triển sẽ đồng nghĩa với việc hệ thống miễn dịch của cơ thể đã bị tổn hại nghiêm trọng. Hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu tới mức không thể chống lại hầu hết các bệnh và nhiễm trùng. Điều này làm cho bệnh nhân dễ bị mắc một loạt các bệnh, bao gồm: viêm phổi, lao, tưa miệng, nhiễm nấm trong miệng hoặc cổ họng, nhiễm Cytomegalovirus (CMV) một loại virus herpes, viêm màng não do Cryptococcus, nhiễm nấm trong não, nhiễm trùng não do ký sinh trùng Toxoplasma Gondii, ung thư, bao gồm Kaposi’s Sarcoma (KS) và ung thư hạch.

Tuổi thọ của bệnh nhân AIDS nếu không được điều trị sẽ bị rút ngắn là kết quả trực tiếp của các hội chứng trên. Hay nói cách khác đây chính là kết quả của các bệnh và biến chứng phát sinh do hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu do AIDS.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về HIV và AIDS các bản cần phải nhớ để có thể nhìn nhận một cách đúng đắn về căn bệnh này. Chính bởi sự hiểu biết chưa đầy đủ về HIV và AIDS đã dẫn tới những định kiến, sự kỳ thị của mọi người đối với những bệnh nhân không may nhiễm HIV, AIDS; đồng thời khiến chúng ta chưa có cách phòng ngừa bệnh đúng cách.

HIV và quá trình đến AIDS là gì
HIV và quá trình đến AIDS là gì

Triệu chứng và dấu hiệu của bệnh HIV/AIDS

HIV có mấy giai đoạn? Nhiễm HIV có 3 giai đoạn, các triệu chứng tương ứng với từng giai đoạn cụ thể của bệnh như sau:

Giai đoạn nhiễm trùng cấp tính (hay còn gọi là nhiễm trùng tiên phát):

Ban đầu, khi nhiễm HIV nguyên phát có thể không có các triệu chứng hoặc gây ra các triệu chứng không đặc hiệu tạm thời (hội chứng nhiễm virus cấp tính).

Giai đoạn này là khi mà người bệnh vừa tiếp nhận các chất dịch cơ thể từ người bị nhiễm trước đó, virus trong giai đoạn này nhân lên rất nhanh và dẫn đến có nhiều virus trong máu ngoại biên. Ở giai đoạn này, mức HIV có thể lên tới vài triệu virus trong mỗi ml máu.

Phản ứng này sẽ đi kèm với việc lượng tế bào T-CD4+ bị giảm đáng kể. Trong tất cả các bệnh nhân, thực tế mức virus này là do sự hoạt hóa của các tế bào T-CD8+ đã giết chết các tế bào bị nhiễm virus HIV, sau đó hình thành các kháng thể hoặc biến đổi huyết thanh. Phản ứng của tế bào T-CD8+ được cho là rất quan trọng trong việc kiểm soát mức virus từ cao trở thành suy giảm dần, và hồi phục số lượng tế bào T-CD4+. Phản ứng của tế bào T-CD8+ tốt sẽ làm quá trình tiến triển của bệnh chậm hơn và việc dự đoán bệnh tốt hơn, mặc dù nó không có khả năng loại trừ được virus.

Trong thời gian từ 2-4 tuần sau khi phơi nhiễm, hầu hết các bệnh nhân (80-90%) sẽ bị mắc bệnh cúm hoặc một bệnh gần giống như bệnh bạch cầu đơn nhân, hay gọi chung là nhiễm HIV cấp tính, có thể có các triệu chứng phổ biến như sốt, nổi hạch, viêm họng, phát ban, đau cơ, khó chịu, lở miệng và thực quản. Một số triệu chứng ít phổ biến hơn như nhức đầu, buồn nôn và nôn, sưng gan hoặc lá lách, giảm cân, bệnh tưa miệng và các triệu chứng thần kinh. Tùy từng người bị nhiễm bệnh mà có thể có 1 hoặc vài triệu chứng này, cũng có trường hợp không xuất hiện một triệu chứng nào. Thời gian của các triệu chứng khác nhau, trung bình sẽ kéo dài trong 28 ngày và ngắn nhất có thể là một tuần.

Vì các tính chất không rõ ràng của các triệu chứng này nên bệnh nhân thường không nhận ra dấu hiệu của nhiễm HIV. Kể cả khi bệnh nhân đi khám bác sĩ hay bệnh viện, họ cũng có thể bị chẩn đoán nhầm là mắc một trong các bệnh nhiễm khuẩn thông thường với các triệu chứng tương tự. Việc này sẽ dẫn tới hệ quả là các triệu chứng tiên phát này sẽ không được dùng để chẩn đoán nhiễm HIV, vì không phải tất cả các trường hợp bị nhiễm HIV đều xuất hiện các triệu chứng này và phần lớn lại giống với triệu chứng của các bệnh thông thường khác. Tuy nhiên, việc nhận biết hội chứng có thể quan trọng, bởi vì ở giai đoạn này bệnh nhân có thể dễ lây bệnh cho nhiều người.

triệu chứng của HIV/aids
triệu chứng của HIV/aids

Giai đoạn mãn tính (giai đoạn tiềm ẩn):

Đây là giai đoạn hệ miễn dịch bảo vệ mạnh mẽ sẽ làm giảm số lượng của các hạt virus trong máu, rồi chuyển sang giai đoạn nhiễm HIV mãn tính.

Giai đoạn này có thể kéo dài từ 2 tuần cho đến 20 năm tùy từng trường hợp, trong suốt khoảng thời gian này HIV sẽ hoạt động trong các hạch bạch huyết nên các hạch này thường xuyên bị sưng do có phản ứng với một lượng lớn virus bị kẹt ở trong mạng lưới các tế bào tua hình nang (FDC). Ở các mô giàu tế bào CD4+ xung quanh cũng có khả năng bị nhiễm bệnh, các hạt virus tích tụ lại cả trong các tế bào bị nhiễm và ở dạng virus tự do.

Bệnh nhân vẫn khả năng lây bệnh ở trong giai đoạn này, tế bào T CD4+ CD45RO+ mang tải lượng virus nhiều nhất, và việc bắt đầu điều trị sớm kháng retrovirus sẽ giúp cải thiện thời gian sống đáng kể.

Giai đoạn AIDS (giai đoạn cuối của bệnh):

Giai đoạn này sẽ xảy ra khi số lượng các tế bào CD4+ bị giảm xuống dưới mức 200 tế bào trên 1uL máu, dẫn tới sự miễn dịch qua trung gian tế bào bị vô hiệu và xuất hiện các hiện tượng nhiễm trùng do một loạt các vi sinh vật cơ hội gây ra.

Khởi phát của các triệu chứng có thể là tình trạng bị giảm cân vừa phải và không giải thích được, nhiễm trùng đường hô hấp tái phát gây ra viêm phế quản, viêm họng, viêm tai giữa hoặc là gây viêm da, loét miệng, phát ban da.

Nhiễm trùng cơ hội và các khối u phổ biến ở người bình thường sẽ bị các tế bào miễn dịch trung gian CD4+ khống chế rồi sau đó mới ảnh hưởng đến người bệnh. Việc mất sức đề kháng nhanh sẽ là nguy cơ nhanh chóng bị nhiễm vi nấm Candida species gây nấm ở miệng hoặc nhiễm vi khuẩn hiếu khí Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao. Sau đó, các virus herpes tiềm ẩn sẽ được kích hoạt và gây ra các tổn thương ngày càng nặng và đau đớn như herpes simplex, bệnh zona, ung thư hạch bạch huyết do virus Epstein-Barr và ung thư Kaposi’s sarcoma…

Viêm phổi do nấm Pneumocystis jirovecii cũng khá phổ biến và thường gây tử vong.

Không phải ở tất cả các bệnh nhân AIDS đều bị tất cả các bệnh nhiễm trùng cơ hội hay các khối u trên, có thể có các loại khối u và các bệnh nhiễm trùng khác nhưng ít nổi bật hơn nhưng vẫn đáng kể.

HIV lây qua đường nào?

Con đường lây truyền của HIV là qua các chất dịch của cơ thể bao gồm máu, tinh dịch, dịch âm đạo và trực tràng và sữa mẹ.

Nhiễm virus HIV chỉ xảy ra khi có một hoặc nhiều chất dịch nêu trên của người mắc bệnh xâm nhập vào trong máu của bạn. Điều này có thể xảy ra qua chỗ da bị vỡ, tổn thương hoặc lớp lót trong miệng, hậu môn, dương vật hoặc âm đạo. Vì vậy, mọi người thường bị nhiễm HIV do 3 phương thức hay đường lây truyền chính của HIV, trong đó HIV-2 có xác suất truyền qua đường từ mẹ sang con và quan hệ tình dục ít hơn so với HIV-1.

Lây truyền qua đường tình dục

HIV phần lớn lây qua đường quan hệ tình dục không không an toàn. Người ta đã ước tính được tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trên thế giới qua đường tình dục chiếm khoảng 75% tổng số người bị nhiễm HIV/AIDS. Việc chủ quan đối với HIV đóng một vai trò rất quan trọng trong nguy cơ lây bệnh. Lây qua đường tình dục có thể xảy ra khi niêm mạc sinh dục, miệng, hoặc trực tràng của bạn tiếp xúc với chất tiết sinh dục của bạn tình có chứa virus HIV. Nguy cơ lây nhiễm qua một lần giao hợp với người bị nhiễm HIV sẽ là từ 0,1% đến 1%. Ở các quốc gia phát triển, nguy cơ nữ lây bệnh cho nam là 0.04% cho mỗi lần quan hệ và nam truyền cho nữ là 0.08%. Vì các lý do khác nhau mà nguy cơ này sẽ cao hơn từ 4 đến 10 lần ở các nước kém phát triển. Người nào có nhiều bạn tình và quan hệ tình dục không an toàn thì nguy cơ lây nhiễm HIV càng cao. Những người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai, lậu… đều làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV lên gấp 20 lần.

Qua phân tích từ các nghiên cứu về việc sử dụng bao cao su cho thấy rằng nếu sử dụng bao cao su đúng cách sẽ làm giảm khoảng 85% nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục của HIV. Tuy nhiên, chất diệt tinh trùng thực sự có thể làm tăng tỷ lệ lây nhiễm.

Theo báo cáo về các nghiên cứu trong năm 2007 của Cochrane Collaboration, thì các chương trình với mục đích khuyến khích việc tiết chế tình dục trong giới trẻ ở các nước phát triển, đồng thời thực hiện các chiến lược cổ động và giáo dục tình dục an toàn vói các đối tượng đã có quan hệ tình dục, có thể làm giảm ngắn hạn và dài hạn những hành vi có rủi ro lây nhiễm HIV.

Lây truyền qua đường máu

HIV có mặt trong máu toàn phần và các thành phần của máu như hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương và các yếu tố đông máu. Vì thế, HIV có thể lây truyền qua máu hay các sản phẩm của máu có nhiễm HIV. Nguy cơ lây truyền qua đường máu có tỷ lệ rất cao trên 90%. Từ năm 1985, sau khi có các xét nghiệm sàng lọc để phát hiện kháng thể kháng HIV, thì nguy cơ lây truyền theo đường máu ở nhiều nước đã giảm đi rõ rệt. Tuy nhiên, một số trường hợp ngay cả khi xét nghiệm máu cho kết quả âm tính thì vẫn có khả năng lây nhiễm HIV, do máu được lấy từ người mới bị nhiễm HIV, người đó đang trong “thời kỳ cửa sổ” của quá trình nhiễm HIV. Nguy cơ này xảy ra nhiều ở những nơi có tỷ lệ nhiễm HIV cao, đặc biệt là ở những nơi người cho máu chuyên nghiệp cao và họ thường thay đổi địa điểm để cho máu.

Các vết thương hở khi tiếp xúc với máu bị nhiễm HIV thì sẽ bị lây truyền. Các đối tượng dễ bị lây nhiễm HIV qua đường máu là những người tiêm chích ma túy, những bệnh nhân bị rối loạn đông máu do di truyền (bệnh ưa chảy máu) hay người nhận trong quá trình truyền máu (dù hầu hết ở các nước thì trước khi truyền máu đều được xét nghiệm HIV) và các sản phẩm máu. Lây truyền HIV qua đường máu cũng là một vấn đề đáng lo ngại đối với những người được chăm sóc y tế tại các khu vực có điều kiện vệ sinh không đạt tiêu chuẩn thông thường trong việc dùng các dụng cụ tiêm chích như việc tái sử dụng kim tiêm ở các nước thế giới thứ ba.

HIV cũng có thể truyền qua các dụng cụ xuyên, chích qua da chưa được tiệt trùng như là bơm kim tiêm (tiêm chích ma túy), kim xâu tai, dao cạo râu…khi các dụng cụ đó có HIV.

Lây truyền trong chăm sóc y tế: Các nhân viên y tế như y tá, nhân viên phòng thí nghiệm hay các bác sĩ cũng là đối tượng rủi ro cao, dù hiếm xảy ra hơn. Kể từ khi việc lây truyền HIV qua đường máu được phát hiện thì các nhân viên y tế cần phải sử dụng các biện pháp dự phòng để bảo vệ mình không tiếp xúc với máu. Trong quá trình xăm hình, xâu khuyên hay rạch da thì cả người thực hiện và người được làm đều dễ bị lây nhiễm HIV qua đường máu.

HIV được tìm thấy trong nước bọt, nước mắt, và nước tiểu của các cá nhân bị nhiễm bệnh có nồng độ thấp, nhưng không có trường hợp nào được ghi nhận bị lây nhiễm bởi các chất tiết này và nguy cơ tiềm năng lây truyền là không đáng kể. Muỗi không có khả năng truyền HIV.

Lây truyền từ mẹ sang con

Việc lây truyền virus HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra trong tử cung đối với thời kỳ mang thai, trong quá trình chuyển dạ đối với giai đoạn sinh con hoặc qua việc cho con bú. Trong trường hợp nếu không điều trị, tỷ lệ lây truyền từ mẹ và con lên đến khoảng 25%. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa điều trị bằng thuốc kháng virus và mổ lấy thai thì nguy cơ này có thể giảm xuống thấp khoảng 1%. Sau khi sinh thì có thể ngăn ngừa lây truyền bằng cách tránh nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, điều này lại liên quan đến các bệnh khác. Cho con bú bằng sữa mẹ và cung cấp điều trị dự phòng kháng virus mở rộng cho trẻ sơ sinh cũng có hiệu quả trong việc tránh lây nhiễm. UNAIDS ước tính có khoảng 430.000 trẻ bị nhiễm HIV trên toàn thế giới trong năm 2008 (19% là các ca nhiễm mới), chủ yếu là lây truyền từ mẹ sang con, và 65.000 ca lây nhiễm đã được ngăn chặn nhờ việc cung cấp điều trị dự phòng kháng virus cho phụ nữ nhiễm HIV dương tính.

HIV không lây qua đường nào?

HIV không thể lây qua các con đường như: Tiếp xúc trực tiếp da kề da, ôm, bắt tay hoặc hôn, không khí hoặc nước, chia sẻ đồ ăn, đồ uống, kể cả vòi nước uống, nước bọt, nước mắt hoặc mồ hôi (trừ trường hợp có lẫn máu của người nhiễm HIV), dùng chung nhà vệ sinh, khăn tắm, chăn ga, muỗi hoặc côn trùng khác đốt.

Một điều cần lưu ý là nếu một người bị nhiễm HIV đang được điều trị và có số lượng virus ít không thể phát hiện được, thì hầu như sẽ không thể truyền virus cho người khác.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh HIV

Hiện tại không có vaccine nào để phòng ngừa lây nhiễm HIV, nhưng có một số biện pháp phòng ngừa lây nhiễm HIV cho bản thân mà bạn nên quan tâm như:

Cần hiểu rõ các cách thức lây truyền của HIV để có các biện pháp phòng tránh sự tiếp xúc của bản thân với các con đường lây nhiễm này.

Tránh uống rượu và tuyệt đối không được sử dụng ma túy vì đây đều là những chất làm ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ và hành động, nó có thể thúc đẩy những hành vi không an toàn làm tăng nguy cơ nhiễm HIV.

Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, nếu bạn tình là người nhiễm HIV thì phải sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn cùng với việc thường xuyên làm xét nghiệm HIV.

Tuyệt đối không dùng chung bơm kim tiêm vì đây chính là hình thức dễ dàng lây HIV từ người này sang người khác.

Tránh chạm vào máu của người khác cũng như các chất dịch cơ thể khác, những chất dịch như tinh dịch, dịch âm đạo, niêm mạc trực tràng, sữa mẹ, dịch ối, dịch não tủy và hoạt dịch trong khớp.

Phòng tránh lây nhiễm HIV
Phòng tránh lây nhiễm HIV

Các biện pháp để chẩn đoán HIV

Vì ở giai đoạn khởi phát các triệu chứng của HIV hay tiến triển đều không điển hình và dễ gây nhầm lẫn với các bệnh khác nên việc chẩn đoán xác định HIV phải dựa vào các xét nghiệm.

Các loại xét nghiệm để chẩn đoán HIV gồm có:

  • Phản ứng phát hiện kháng thể chống HIV: Xét nghiệm sàng lọc bằng kĩ thuật ELISA, kĩ thuật ngưng kết Latex nhanh. Hầu hết các test nhanh hay xét nghiệm tại nhà đều là xét nghiệm tìm kháng thể, xét nghiệm tìm kháng thể HIV sử dụng máu tĩnh mạch thì có thể phát hiện HIV sớm hơn so với xét nghiệm mẫu dịch tiết cơ thể.
  • Ưu điểm: Xét nghiệm hàng loạt mẫu máu cho kết quả nhanh, độ nhạy cao
  • Nhược điểm: không phát hiện được giai đoạn cửa sổ
  • Là phương pháp được dùng nhiều nhất
  • Phát hiện HIV
  • Phân lập trực tiếp: Trên TB lympho or TB Hela có CD4 (phương pháp này nhạy nhưng cho kết quả chậm và đắt tiền).
  • Phản ứng khuếch đại gen PCR: nhạy, đặc hiệu, có thể chẩn đoán sớm HIV ở giai đoạn cửa sổ hoặc trẻ sơ sinh nhưng đắt tiền.
  • Xét nghiệm acid nucleic (NAT): xét nghiệm này giúp tìm kiếm virus HIV xem nó có trong máu hay không và cho biết lượng virus trong máu. Xét nghiệm NAT khá chính xác ở trong giai đoạn đầu của nhiễm HIV tuy nhiên phương pháp này khá tốn kém và chỉ sử dụng khi người bệnh có nguy cơ phơi nhiễm HIV cao hay xuất hiện các triệu chứng sớm của HIV.
  • Phản ứng phát hiện kháng nguyên:
  • Kháng nguyên p24 có rất sớm sau khi nhiễm HIV trong huyết thanh, dịch não tủy
  • Dùng kĩ thuật ELISA hoặc RIA
  • Không dùng cho XN sàng lọc vì độ nhạy và độ đặc hiệu thấp
  • Các xét nghiệm huyết thanh và miễn dịch học
  • Hồng cầu, bạch cầu, tiểu cẩu giảm
  • TB lympho TCD4 giảm dưới 400/mm3 (bình thường là 800-1200/mm3)
  • Tỉ lệ lympho TCD4/TCD8 dưới 1 (bt là 2)
  • Globulin máu tăng

Nếu bất kì xét nghiệm nào cho kết quả dương tính thì người bệnh nên xét nghiệm và theo dõi để xác nhận kết quả.

Các biện pháp điều trị bệnh HIV

Hiện nay không có vaccine nào để phòng ngừa HIV cũng như không có một biện pháp nào có thể loại bỏ hết virus HIV ra khỏi cơ thể.

Tuy nhiên nhờ liệu pháp điều trị kháng virus (ART) bằng thuốc ARV đã có tác dụng làm chậm sự nhân lên của HIV trong cơ thể, từ đó làm tăng cường hệ miễn dịch giúp chất lượng cuộc sống của những người bị nhiễm HIV/AIDS đã cải thiện đáng kể.

Lựa chọn hiện nay là kết hợp hai hay nhiều loại thuốc kháng retrovirus và một chất ức chế protease hoặc một thuốc ức chế reverse transcriptase nnon-nucleoside (NNRTI). Với điều trị như vậy thì cho thấy kết quả HIV âm tính lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng virus sẽ tăng trở lại khi ngưng điều trị.

Điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc:

– Sử dụng thuốc chống virus: Các thuốc chống virus ức chế sự phát triển và nhân lên của HIV ở những giai đoạn khác nhau trong vòng đời của virus. Một số nhóm thuốc chống virus hiện nay như:

+ Các chất ức chế men phiên mã ngược tương tự nucleosid (NRTI): đây là nhóm thuốc chống retrovirus đầu tiên được triển khai. Chúng ức chế sự sao chép của một enzym HIV là men phiên mã ngược. Nhóm thuốc này gồm zidovudine, lamivudine, didanosin, zalcitabine, stavudine và abacavir. Một thuốc mới hơn là emtricitabine phải được dùng phối hợp với ít nhất là 2 thuốc AIDS khác, điều trị cả HIV và viêm gan B

+ Các chất ức chế protease (PI): Nhóm thuốc này cản trở sự nhân lên của HIV ở giai đoạn muộn hơn trong vòng đời của nó bằng cách tác động vào enzym protease của virus, khiến cho HIV bị rối loạn cấu trúc và không gây nhiễm. Các thuốc trong nhóm gồm saquinavir, ritonavir, indinavir, nelfinavir, amprenavir, lopinavir và atazanavir

+ Các chất ức chế men phiên mã ngược phi nucleosid (NNRTI). Những thuốc này gắn trực tiếp với men phiên mã ngược, gồm các thuốc nevirapine, delavirdine và efavirenz.

+ Các chất ức chế men phiên mã ngược nucleotid (NtRTI). Những thuốc này hoạt động rất giống chất ức chế men phiên mã ngược tương tự nucleotid nhưng tác dụng nhanh hơn. Thuốc duy nhất trong nhóm này là tenofovir ức chế cả HIV và viêm gan B, tỏ ra có hiệu quả ở bệnh nhân kháng NRTI.

+ Các chất ức chế hoà nhập: không cho virus nhân lên bằng cách ngăn không cho màng virus hoà nhập với màng của tế bào khỏe mạnh. Thuốc đầu tiên trong nhóm này là enfuvirtide tỏ ra ức chế được ngay cả những chủng HIV kháng thuốc mạnh nhất.

– Sử dụng thuốc điều hoà miễn dịch: Giúp tăng cường hệ miễn dịch như Alpha-interferon, interleukin 2, Ioprinasine…

– Điều trị dự phòng bệnh lao cho người mắc HIV

Cơ sở điều trị HIV cần phải thực hiện 3 chiến lược gồm: Phát hiện tích cực bệnh lao; Điều trị lao tiềm ẩn; Kiểm soát nhiễm khuẩn lao. Việc điều trị sớm ARV cho người nhiễm HIV sẽ làm giảm tỷ lệ mắc lao cũng như tỷ lệ tử vong do lao, đặc biệt khi được điều trị lao tiềm ẩn bằng thuốc kháng lao.

– Điều trị dự phòng một số bệnh nhiễm trùng cơ hội cho người mắc HIV

Điều trị dự phòng bằng co-trimoxazole (CTX) có hiệu quả ngăn ngừa một số bệnh nhiễm trùng cơ hội như viêm phổi do Pneumocystis jiroveci, bệnh do Toxoplasma và một số bệnh nhiễm khuẩn khác. Dự phòng CTX được khuyến cáo cho người lớn, phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ phơi nhiễm hoặc nhiễm HIV.

Điều trị dự phòng nấm Cryptococcus: Việc sàng lọc kháng nguyên Cryptococcus (CrAg) và điều trị dự phòng sớm bằng fluconazole giúp phòng ngừa tiến triển thành viêm màng não ở những người mắc HIV có mang kháng nguyên Cryptococcus trong máu mà không có triệu chứng.

Trị liệu bổ sung

– Chế độ dinh dưỡng tốt, làm việc nghỉ ngơi điều độ.

– Liệu pháp vitamin, liệu pháp vi lượng và châm cứu…

Phác đồ sử dụng thuốc kháng virus để điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP)

PrEP là viết tắt của Pre-exposure prophylaxis, nó là phương pháp sử dụng thuốc ARV để dự phòng lây nhiễm HIV cho những người chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi có nguy cơ nhiễm HIV cao. PrEP là biện pháp dự phòng mới được sử dụng theo hướng dẫn điều trị và chăm sóc HIV/AIDS (Quyết định 5456/QĐBYT – 20/11/2019). PrEP có hiệu quả dự phòng nhiễm HIV đến 96-99% nếu tuân thủ điều trị. 

Thuốc PrEP là sự kết hợp 2 hoặc 3 thành phần kháng virus thuốc được sử dụng cho các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao một số thuốc điển hình như Ricovir-EM, Tenof – EM, Dinara…

Khi dùng PrEP phải được các bác sĩ chuyên khoa chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tư vấn trực tiếp, chỉ định, theo dõi, tái khám, xử trí các tình huống bất thường, hỗ trợ tâm lý, xã hội, tuân thủ điều trị và các dịch vụ y tế cần thiết khác.

Những người có thể dùng được PrEP?

Tất cả những người có các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao và chưa nhiễm HIV như là người nam có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người bán dâm, người tiêm chích ma túy, bạn tình của người bị nhiễm HIV, Công an, bác sĩ có nguy cơ tiếp xúc với người nhiễm HIV đó chưa điều trị ARV hoặc điều trị ARV nhưng tải lượng HIV chưa đạt ức chế vi rút (vẫn còn trên 200 bản sao/ml máu), những người đã điều trị dự phòng sau phơi nhiễm với HIV (PEP) nhưng tiếp tục có hành vi nguy cơ cao nhiễm HIV cũng nên dùng PrEP.

Sử dụng PrEP như thế nào?

Thuốc PrEP dùng bằng đường uống hàng ngày, mỗi ngày uống một viên. Có thể uống trước hoặc sau bữa ăn. Nên uống thuốc vào một thời điểm nhất định để tạo thành thói quen uống thuốc đều đặn tránh quên liều. Nếu quên liều thì cần uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, trong một ngày không được uống quá 2 liều (trong 24 giờ). PrEP không có tương tác với đa số các thuốc khác nên an toàn khi uống cùng với nhau.

Phác đồ điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV (PEP)

PEP là viết tắt của post-exposure prophylaxis, nó là việc dùng thuốc kháng virus HIV cho những người bị phơi nhiễm với HIV. Điều trị sau phơi nhiễm cần được điều trị càng sớm càng tốt và không muộn hơn 72 giờ. Phơi nhiễm có thể xảy ra trong môi trường nghề nghiệp và môi trường bên ngoài. Quy trình dự phòng sau phơi nhiễm với HIV gồm có 7 bước sau:

  • Xử lý vết thương tại chỗ.
  • Báo cáo phụ trách và làm biên bản (phơi nhiễm do nghề nghiệp).
  • Đánh giá nguy cơ theo mức độ tổn thương và diện tích tiếp xúc.
  • Xét nghiệm để xác định tình trạng HIV của nguồn gây phơi nhiễm.
  • Xác định tình trạng nhiễm HIV của những người bị phơi nhiễm.
  • Tư vấn cho người bị phơi nhiễm về nguy cơ nhiễm HIV, viêm gan B và C. Lợi ích của điều trị dự phòng, tuân thủ và tác dụng phụ của thuốc ARV
  • Kê đơn thuốc PEP cho 28 ngày cho người có nguy cơ

Phác đồ thuốc ARV để điều trị dự phòng sau phơi nhiễm:

Đối với người lớn điều trị bằng TDF + 3TC (hoặc FTC) + DTG (ưu tiên) hoặc TDF + 3TC (hoặc FTC) + LPV/r (thay thế) hoặc TDF + 3TC (hoặc FTC) + RAL (thay thế)

Đối với trẻ em ≤ 10 tuổi điều trị bằng AZT + 3TC + DTG (ưu tiên nếu có sẵn liều DTG đã được phê duyệt) hoặc AZT + 3TC + LPV/r (thay thế) hoặc AZT + 3TC + RAL (thay thế)

Các thuốc hiện nay được sử dụng phổ biến như: Thuốc Acriptega, Thuốc Trustiva, Thuốc Avonza..

Thời gian điều trị dự phòng sau phơi nhiễm: Bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt. Không điều trị khi đã phơi nhiễm quá 72 giờ. Thời gian: điều trị đủ 28 ngày liên tục.

Những đối tượng nên dùng PEP 

Thuốc PEP có thể dùng trên mọi đối tượng có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV như:

  • Những người tiếp xúc với HIV, dù mới tiếp xúc 1 lần, cũng cần phải uống thuốc PEP. Vì uống thuốc càng sớm thì hiệu quả phòng bệnh càng cao.
  • Những người chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân bị HIV, vô tình bị tiếp xúc với máu hoặc chất dịch của người bệnh.
  • Người quan hệ tình dục với người bị HIV.
  • Người vô tình dùng chung kim tiêm với người mắc HIV.
  • Trong trường hợp, tiếp xúc nhiều lần với nguy cơ HIV, thì nên cân nhắc việc sử dụng thuốc PrEP. Và bạn nên hỏi trực tiếp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.

Sử dụng thuốc PEP như thế nào cho đúng?

Thuốc PEP chỉ nên được dùng trong các tình huống khẩn cấp. Nếu chưa đến 72 giờ kể từ khi xảy ra sự việc, bạn có thể uống thuốc PEP để phòng nhiễm HIV, dù bơm kim tiêm có máu nhiễm HIV hay bạn tình là người nhiễm HIV. PEP có ít hoặc không có tác dụng trong việc ngăn ngừa nhiễm HIV nếu nó được bắt đầu muộn hơn 72 giờ sau khi phơi nhiễm.

Phải dùng thuốc phơi nhiễm HIV đúng giờ và đúng liều quy định. Các thuốc uống 2 lần/1 ngày thì phải uống cách nhau 12 giờ. Các thuốc uống 1 lần/1 ngày phải uống cách nhau 24h.

Chú ý: Thuốc PEP không có tác dụng thay thế cho các loại thuốc điều trị HIV khác như PrEP. Mà nó thường được dùng cho những người sau khi tiếp xúc với HIV. Trong quá trình điều trị HIV bằng thuốc PEP, bạn nên tái khám sau khoảng 4 – 6 tuần để làm xét nghiệm HIV lại. Và tiếp tục trở lại vào 3 tháng, 6 tháng để đảm bảo bệnh không bị lây nhiễm. Bên cạnh đó, trong thời gian này, bạn nên kiêng quan hệ, hoặc nếu có thể thì vẫn phải sử dụng các biện pháp an toàn.

Một số câu hỏi liên quan về HIV/AIDS

HIV/aids chữa được không?

Hiện tại vẫn chưa có cách điều trị HIV khỏi hoàn toàn trong hầu hết các trường hợp, nhưng việc điều trị có thể kiểm soát tải lượng virus và giúp duy trì hệ thống miễn dịch của bạn. Một số loại thuốc cản trở vào protein HIV sao chép chính nó hay một số thuốc khác thì ngăn chặn virus xâm nhập hoặc chèn vật liệu di truyền của nó vào các tế bào miễn dịch của bạn. Tất cả những người nhiễm HIV nên bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng virus. Bác sĩ sẽ cho bạn biết bạn nên sử dụng thuốc nào là tốt nhất.

HIV sống được bao lâu?

Bị HIV có thể sống được bao lâu? Đừng để lầm tưởng về HIV/AIDS khiến cho bạn suy sụp. Nếu nghi ngờ bản thân bị nhiễm HIV, bạn nên đi xét nghiệm càng sớm càng tốt. HIV nếu được theo dõi và điều trị nghiêm ngặt có thể kiểm soát được. Người nhiễm virus HIV sống được bao lâu phụ thuộc vào việc bạn có kiên trì theo đuổi điều trị với một thái độ lạc quan và lối sống lành mạnh hay không. Trên thực tế, có rất nhiều người bị nhiễm HIV/AIDS vẫn đang sống khỏe mạnh như một người bình thường.

Các bác sĩ chuyên khoa đã nói rằng: “Nếu được đưa vào điều trị sớm và tuân thủ điều trị ARV, một người từ 20 tuổi nhiễm HIV, có thể sống thêm 50-60 năm, tuổi thọ gần như một người bình thường. Quan trọng nhất là phát hiện sớm và điều trị sớm”.

Mọi thông tin thắc mắc vui lòng liên hệ 0923283003 để được tư vấn và hỗ trợ hoặc truy cập wedsite nhathuochapu.vn để biết thêm chi tiết

Gọi Điện Thoại Zalo Facebook